Mô hình thông tin xây dựng (BIM) là một quá trình tạo và quản lý các bản mô tả đặc điểm vật lý và công năng của công trình xây dựng hay sản phẩm công nghiệp dưới dạng kỹ thuật số. Mô hình này được hiểu nôm na rằng thể hiện tất cả hồ sơ thiết kế của công trình bằng dữ liệu số.
Đặc biệt, các hồ sơ dạng số này có thể trao đổi, kết nối trực tuyến với nhau để tạo thành một mô hình ảo của công trình. Qua đó, BIM có thể hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định chế tạo sản phẩm hay thi công xây dựng công trình.
Khái niệm về BIM đã tồn tại từ thập kỷ 1970. Thuật ngữ “mô hình thông tin xây dựng” xuất hiện lần đầu năm 1992 trong tài liệu của G.A. Van Nederveen và F. P. Tolman. Tuy nhiên, nó không được sử dụng phổ biến cho đến 10 năm sau đó, khi hãng Autodesk phát hành một cuốn sách với tựa đề “Building Information Modeling”. Jerry Laiserin đã giúp phổ biến thuật ngữ này và thiết lập tiêu chuẩn cho thuật ngữ, một cái tên thể hiện sự “biểu diễn mô hình” cho quá trình xây dựng công trình.
Về thế mạnh của mô hình này, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Synectics, ông Trần Nguyên Huân, chia sẻ quan điểm: “Nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đợt khủng hoảng kinh tế, các dự án đã hoạt động trở lại nhờ được khai thông dòng vốn. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp xây dựng khi phải cạnh tranh gay gắt lẫn nhau để giành chiến thắng khi đấu thầu. Lúc này, BIM đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và giúp gia tăng lợi nhuận, giảm thiểu những lãng phí trong mọi khâu của dự án từ thiết kế, thi công đến hoàn công, đưa vào sử dụng, bảo trì… Tôi nghĩ đã đến lúc các doanh nghiệp nên ứng dụng BIM vào dự án để nâng cao những lợi ích to lớn của BIM. Đây cũng là xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này”.
Mô hình BIM đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và đang phát triển một cách nhanh chóng tại thị trường Việt Nam do những ưu điểm nổi bật như: nhanh chóng đưa ra nhiều phương án thiết kế để phân tích chọn phương án tối ưu, giảm thiểu lãng phí, thúc đẩy nhanh tiến độ của công trình, giảm thiểu xung đột trong quá trình thi công…
Ứng dụng BIM cho các dự án cơ sở hạ tầng tuy được áp dụng sau các công trình xây dựng dân dụng nhưng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Kết quả báo cáo “Hiệu quả kinh doanh của việc ứng dụng BIM cho dự án cơ sở hạ tầng” của McGraw-Hill Construction cho biết:
− 67% các công ty đã sử dụng BIM thấy rõ được hiệu quả so với vốn đầu tư (ROI)
− Các công ty sử dụng ứng dụng BIM cho các dự án cơ sở hạ tầng có tốc độ tăng trưởng gấp đôi (từ 27% lên 46%)
− 89% đơn vị đang sử dụng BIM và sẽ tiếp tục dùng BIM cho các dự án hạ tầng sắp tới của họ
− 78% doanh nghiệp chưa sử dụng BIM rất hứng thú sử dụng BIM cho các dự án mới
Dự thảo của Luật xây dựng mới trình lên Quốc hội và nghị định của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã quy định về việc ứng dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM) cho các dự án. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cũng đã ứng dụng BIM vào nhiều công trình thí điểm như cầu Sài Gòn 2, hầm Thủ Thiêm…
Ngoài ra, theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng – Trợ lý Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng nhận định trên Báo Xây dựng: “Đến năm 2020, mô hình BIM được kỳ vọng sẽ được phổ biến và là một phần tiêu chuẩn của tất cả các quy trình thiết kế và xây dựng”.
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều chủ đầu tư cũng như nhà thầu, công ty tư vấn giám sát sử dụng BIM cho dự án như: Dự án tuyến Metro 1: Bến Thành – Suối Tiên, tuyến Metro 2: Bến Thành -Tham Lương, cầu Sài Gòn 2, cầu Vàm Cống, hầm Thủ Thiêm…
Theo tapchigiaothong.com